Thực trạng khó khăn với nhóm trái phiếu bất động sản

Gần một nửa số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 8 có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.

Thực trạng khó khăn với nhóm trái phiếu bất động sản
Trái phiếu bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Bảo Chương

Theo ước tính của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong tháng 8.2024, khoảng 7.300 tỉ đồng trong số 18.600 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu từ các ngành bất động sản dân cư và năng lượng.

Cả năm 2024, khoảng 40.000 tỉ đồng trái phiếu có rủi ro cao đến từ 35 tổ chức phát hành, phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.

VIS Rating nhận xét, các doanh nghiệp này có khả năng trả nợ ở mức rất yếu, thể hiện bởi tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt trên giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.

Đơn cử như trường hợp Công ty Hano-vid, theo thông tin công bố nửa đầu năm 2024, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 4,42 nửa đầu năm 2023 lên 6,77 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng nợ phải trả ở mức hơn gần 34 nghìn tỉ đồng.

Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ mức 1,83 lần nửa đầu năm 2023 xuống 1,81 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng dư nợ trái phiếu ở mức gần 9,6 nghìn tỉ đồng. Ấy vậy, nhưng lợi nhuận sau thuế của Hano-vid thường ở mức khiêm tốn, nhất là so với quy mô vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 của Hano-vid đạt 7,8 tỉ đồng, giảm 80,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, báo cáo thanh toán gốc, lãi trái phiếu nửa đầu năm 2024 cho thấy, Hanoi-vid đang trả lãi cho 182 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị theo mệnh giá là 9.654,6 tỉ đồng. Thời hạn của các lô trái phiếu này vào khoảng 5-7 năm, hầu hết đều không có tài sản đảm bảo và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Maritime Bank (MSB) là tổ chức lưu ký.

Tương tự như vậy là trường hợp Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh. Nửa đầu năm 2024, vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 138,7 tỉ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ mức 9,84 lần nửa đầu năm 2023 lên 31,16 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng nợ phải trả ở mức 4.321,8 tỉ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh từ mức 1,87 lần nửa đầu năm 2023 lên 21,62 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng dư nợ trái phiếu ở mức 2.998,7 tỉ đồng.

Công ty Khu đô thị mới Trung Minh tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm, với mức âm 18,1 tỉ đồng nửa đầu năm 2024, trong khi lỗ sau thuế 3,4 tỉ đồng nửa đầu năm 2023. Trước đó, công ty cũng báo lỗ sau thuế năm 2022 và 2023 với mức lỗ lần lượt là 9,1 tỉ đồng và 6,7 tỉ đồng.

Theo VIS-Rating, một điều đáng quan tâm là có 17 trong số 35 tổ chức phát hành có rủi ro cao (chiếm khoảng 61% giá trị trái phiếu rủi ro chậm trả gốc/lãi) là các doanh nghiệp được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả. 90% trong số đó đã từng chậm trả lãi coupon ít nhất một lần và đang có tỉ lệ đòn bẩy rất cao, nguồn tiền mặt thấp.

Nguồn: Laodong.vn